Hiệp hội thanh long Bình Thuận: Vận động hội viên liên kết, hợp tác
BTO-Hiệp hội thanh long Bình Thuận vừa tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đến dự có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số sở ngành liên quan và các thành viên hiệp hội.
Tại hội nghị, ông Huỳnh Cảnh – Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận thông tin, trong năm 2024 giá trị kim ngạch xuất khẩu thanh long trong tỉnh ước đạt 9,2 triệu USD, sản lượng 8.400 tấn, tăng 13,46% so với cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh có khoảng 200 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói xuất khẩu, sức chứa kho lạnh khoảng 16.000 tấn. Về hoạt động của hiệp hội trong năm 2024, tiếp tục thực hiện quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận”. Trong đó, kiểm tra, kiểm soát bên ngoài và thẩm định điều kiện, năng lực cấp mới và cấp lại quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý quả thanh long cho 15 tổ chức, cá nhân, đạt 70% kế hoạch. Đồng thời, thẩm định và cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho quả thanh long đến 6 tổ chức, cá nhân tại các huyện. Thẩm định và cấp lại giấy chứng nhận cho 5 tổ chức khác…
Trong năm 2024, Hiệp hội tham gia phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan trong triển khai các chủ trương, kế hoạch, giải pháp thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu thanh long. Mặt khác, vận động thành viên doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, thu mua, chế biến tích cực tham gia hội nghị, tập huấn, tham gia hội chợ giao thương, giới thiệu sản phẩm để tìm kiếm, kết nối hợp tác đầu tư, phát triển thị trường tiêu thụ…Hiệp hội thanh long Bình Thuận đã vận động các đơn vị, cá nhân tham gia hiệp hội thanh long và được xét kết nạp 12 đơn vị, cá nhân, tăng 20% so năm 2023. Đến nay hiệp hội có 80 hội viên.
Nhiệm vụ năm 2025, Hiệp hội thanh long xây dựng kế hoạch và giải pháp để triển khai thực hiện những nội dung được giao trong thực hiện đề án phát triển cây thanh long Bình Thuận đến năm 2030 của tỉnh. Đồng thời tiếp tục vận động hội viên liên kết hợp tác, hỗ trợ nhau về kinh tế – kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh quả thanh long. Bên cạnh, tổ chức chuỗi liên kết – tiêu thụ sản phẩm thanh long của các hội viên luôn duy trì ổn định và hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Tấn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã thông tin rõ hơn về đề án phát triển thanh long của tỉnh đến 2030. Mặt khác lưu ý hiệp hội cập nhật số liệu tiêu thụ thanh long của hội viên trong năm. Song song, tiếp tục vận động hội viên sản xuất theo hướng GAP…
Cũng tại hội nghị, Hiệp hội thanh long Bình Thuận đã công bố quyết định kết nạp 12 đơn vị, cá nhân gia nhập hiệp hội. Cùng với đó, công bố và trao giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho thanh long Bình Thuận đến 11 tổ chức, cá nhân.
Được biết, tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 25.000 ha thanh long, sản lượng 550.000 tấn. Trong đó, có trên 9.000 ha thanh long được chứng nhận VietGAP, 453 ha được chứng nhận GlobalGAP và 93 ha chứng nhận hữu cơ. Theo Hiệp hội thanh long, thị trường xuất khẩu thanh long đang có nhiều thách thức bởi sự cạnh tranh khốc liệt do diện tích, sản lượng thanh long của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã tăng nhanh. Đặc biệt, Trung Quốc đã trồng thanh long với diện tích khoảng 65.000 ha, sản lượng 1,2 triệu tấn/năm.